Tin mới

Sau hơn 1000 năm, "không thành kế" của Gia Cát Lượng được tái hiện bởi vị vua 2 lần thảm bại ở VN

Thứ sáu, 14/09/2018, 20:52 (GMT+7)

Cuộc đời Nam chinh Bắc chiến của Nguyên Thế Tổ có rất nhiều câu chuyện, ấn tượng bậc nhất phải kể đến việc tái hiện “không thành kế” để chuyển bại thành thắng.

Cuộc đời Nam chinh Bắc chiến của Nguyên Thế Tổ có rất nhiều câu chuyện, ấn tượng bậc nhất phải kể đến việc tái hiện “không thành kế” để chuyển bại thành thắng.

Tính từ Thành Cát Tư Hãn thì Nguyên Thế Tổ là vị vua thứ năm của người Mông Cổ nhưng ông chính là người sáng lập ra nhà Nguyên ở Trung Quốc nên mới có miếu hiệu Thế Tổ.

Cuộc đời Nam chinh Bắc chiến của ông rất nhiều câu chuyện, ấn tượng nhất phải kể đến việc thực hiện “không thành kế” để thoát khỏi hiểm nguy, thế nhưng chuyện này hậu thế lại ít người được biết.

Chân dung người sáng lập triều Nguyên

Ngoài Thành Cát Tư Hãn ra, Nguyên Thế Tổ là ông vua Nguyên mà người Việt Nam được nghe nhắc đến nhiều nhất, tên thật là Bột Nhi Chỉ Cân Hốt Tất Liệt.

Đây chính là người muốn mở rộng tham vọng lãnh thổ xuống phương Nam, là người hai lần cho quân tràn xuống xâm lược Đại Việt nhưng đã bị quân dân nhà Trần đánh cho đại bại vào các năm Ất Dậu (1285) và Mậu Tý (1288) để rồi cho đến cuối đời “việc Nam chinh luôn ngứa ngáy trong tim” như Nguyên sử đã thú nhận.

Còn vua Trần Nhân Tông sau chiến thắng năm Mậu Tý (1288) về phủ Long Hưng tế lễ lăng tẩm các vua Trần đã biểu lộ cảm xúc trong hai câu thơ:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,

Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,

Non sông nghìn thuở vững âu vàng).

Sau hơn 1000 năm, không thành kế của Gia Cát Lượng được tái hiện bởi vị vua 2 lần thảm bại ở VN - Ảnh 1.

Chân dung Hốt Tất Liệt. Ảnh: Wikipedia.

Hốt Tất Liệt sinh năm Ất Hợi (1215), cha là Đà Lôi, con út của Thành Cát Tư Hãn; mẹ là Tỏa Lỗ Hòa Thiếp Ni. Ông là con thứ trong gia đình, được sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh giữa Mông Cổ và triều Kim, năm ông ra đời cũng là năm quân Mông Cổ chiếm được kinh thành Trung Đô của triều Kim.

Cha đi đánh trận liên miên, lập nhiều chiến công nhưng mất vào năm Tân Mão (1231), Hốt Tất Liệt được mẹ dạy dỗ rất chu đáo, bà là người thông minh, tài ba, rất coi trọng tri thức Hán tộc nên thường xuyên mời các danh Nho đến chỉ bảo, đàm đạo nên điều này có ảnh hưởng sâu sắc đến Hốt Tất Liệt.

Khi anh trai là Mông Ca lên ngôi Đại Hãn (tức Nguyên Hiến Tông), Hốt Tất Liệt được giao thống lĩnh quân đội trên các vùng đất chiếm được của nhà Tống, cầm quân chinh phục phương Nam.

Ông đã mở phủ ở đất Kinh Triệu, ra sức khai khẩn đồn điền, chiêu mộ quân lính, tranh thủ sự ủng hộ của tầng lớp quý tộc, địa chủ người Hán.

Sau đó Hốt Tất Liệt lập công trong việc tiêu diệt nước Đại Lý (khu vực tỉnh Vân Nam hiện nay), chinh phục Thổ Phiền (khu vực Tây Tạng hiện nay) và đánh trận nhiều nơi giành thắng lợi. Uy tín và thế lực của Hốt Tất Liệt ngày càng lớn mạnh.

Năm Mậu Ngọ (1258) Nguyên Hiến Tông Mông Ca đem quân đánh Nam Tống, chiếm được nhiều đất đai nhưng trong trận Điếu Ngư (nay là Hợp Châu, tỉnh Tứ Xuyên) thì bị trúng đạn đá của đối phương, trọng thương rồi chết vào tháng 7 năm Kỷ Mùi (1259). Theo lệ, quân Mông Cổ rút lui về để tổ chức đại hội bầu Đại hãn mới.

Khi chưa kịp rút quân thì Hốt Tất Liệt được tin báo em trai ông là A Lý Bất Ca đang mưu đồ kế thừa ngôi Đại hãn. Đúng lúc đó sứ giả nhà Tống đến xin giảng hòa, Hốt Tất Liệt chấp thuận rồi vội đem quân trở về Khai Bình (nay là Chính Lan, thuộc khu tự trị Nội Mông) triệu tập quý tộc Mông Cổ, được nhiều người ủng hộ rồi lên ngôi Đại hãn tháng 3 năm Canh Thân (1260).

Tuy nhiên một bộ phận khác phản đối, dẫn đến cuộc tranh chấp quyền lực giữa Hốt Tất Liệt với A Lý Bất Ca kéo dài đến tháng 7 năm Giáp Tý (1264) thì kết thúc với việc A Lý Bất Ca quy hàng.

Tháng 11 năm Tân Mùi (1271) Hốt Tất Liệt đổi quốc hiệu Đại Mông Cổ thành Đại Nguyên, lấy chữ “Nguyên” trong câu trích từ Kinh Dịch: “Đại tai Càn Nguyên” (Nghĩa là: Quẻ Càn thật to lớn thay).

Sau hơn 1000 năm, không thành kế của Gia Cát Lượng được tái hiện bởi vị vua 2 lần thảm bại ở VN - Ảnh 3.

Bản đồ đế chế Mông Cổ năm 1294

Ông vua gan dạ dùng mưu hay

Trong cuộc đời của mình, Hốt Tất Liệt tham gia không biết bao nhiêu trận chiến, từ dẹp nội loạn chống đối cho đến chinh phục các quốc gia khác nhau. Ông chính là vị vua hoàn thành tâm nguyện của các Đại hãn Mông Cổ, đó là tiêu diệt nhà Nam Tống. Bắc đầu từ năm Đinh Mão (1267), Hốt Tất Liệt phát động chiến tranh quy mô đánh Tống, sau đó liên tiếp huy động nhân tài vật lực cho trận chiến này.

Năm Giáp Tuất (1274), khi triều đình Nam Tống đang đang mục nát đến cùng cực thì Tống Độ Tông ốm chết, thọ 35 tuổi, hoàng tử Triệu Hiển mới 4 tuổi được lập làm vua (tức Tống Cung Đế) cũng là lúc quân Nguyên Mông đang tiến như vũ bão.

Một số quan lại bỏ chạy rồi tập hợp lực lượng tôn Triệu Thức làm vua (tức Tống Đoan Tông) nhưng tại vị được 3 năm thì Tống Đoan Tông chết thảm khi mới 11 tuổi trong một trận truy kích của quân Nguyên Mông; em trai Tống Đoan Tông là Triệu Bính mới 9 tuổi được đưa lên kế vị vào năm Mậu Dần (1278) trong cảnh triều đình lưu vong phải chạy trốn khắp nơi.

Đến năm Kỷ Mão (1279) quân Tống bị vây hãm ở Nhai Sơn, thủy quân bị đánh bại, một viên quan là Lục Phú Tu ôm Triệu Bính nhảy xuống biển tự tử, nhà Nam Tống đến đây diệt vong.

"Không thành kế" của Hốt Tất Liệt

Là người đứng đầu một đế chế rộng lớn, nhưng Hốt Tất Liệt vẫn gặp những vấn đề nội bộ, đó là tình trạng tranh chấp trong nội bộ Mông Cổ, bản thân ông nhiều lần phải thân chinh dẫn quân đi đánh các thế lực quân phiệt cát cứ và các chư vương làm phản ở vùng phía Bắc và Tây Bắc nhằm tăng cường sức mạnh của chính quyền trung ương.

Trong một lần thân chinh, nhờ vào sự gan dạ Hốt Tất Liệt đã dùng mưu thoát khỏi hiểm nguy và kế sách ông dùng là “kế không thành”, một mưu kế mà khi nhắc đến nhiều người lầm tưởng chỉ có Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam quốc mới dám dùng.

Sau hơn 1000 năm, không thành kế của Gia Cát Lượng được tái hiện bởi vị vua 2 lần thảm bại ở VN - Ảnh 5.

Kị binh Mông Cổ

Chuyện kể rằng, vào năm Đinh Hợi (1287) niên hiệu Chí Nguyên năm thứ 24, một số thân vương là hậu duệ các chi khác của Thành Cát Tư Hãn, bao gồm Nãi Nhan, Kháp Đan, Dã Bất Can, Thế Đô Nhi ở vùng Đông Bắc (nay thuộc Nội Mông) khởi binh làm phản gây rối loạn một vùng thảo nguyên, binh mã lên đến 30 vạn. 

Mặt khác, họ lại cấu kết với Hải Đô cũng là một lực lượng chống đối có đến 10 vạn quân.

Trong tình hình nguy cấp ấy, mặc dù tuổi đã 72 lại đang lâm bệnh, nhưng hùng tâm tráng khí chưa hề suy giảm, Hốt Tất Liệt quyết định thân chinh dẹp loạn. Đối tượng đầu tiên cần phải tiêu diệt là Nãi Nhan. 

Khi Hốt Tất Liệt đến vùng thượng du Luân Hà, vì nóng lòng ông đã thúc quân đi nhanh, lực lượng hộ vệ theo hầu chỉ mấy chục người.

Không ngờ trước đó, đoán biết được đường tiến của quân triều đình, Nãi Nhan đã sai bộ tướng Tháp Bất Đái và Kim Cương Nô đem 6 vạn quân thiết kị bí mật mai phục.

Hốt Tất Liệt cùng đám tùy tùng đang đi thì bất ngờ quân phản loạn xuất hiện ở phía trước, trong khi quân chủ lực của triều đình chưa đến, nửa ở phía trước, nửa ở phía sau, lộ trình cách nhau nửa ngày đường.

Tình thế hiểm nguy “ngàn cân treo sợi tóc” ấy khiến các đại thần và quan quân hộ vệ kinh hoàng khiếp sợ bởi nếu đối phương xông vào tấn công ngay lúc đó thì vua tôi Hốt Tất Liệt chỉ còn cách bó tay chịu trói.

Trong cảnh mười phần nguy cấp, ông vua sáng lập triều Nguyên vẫn rất bình tĩnh, lập tức hạ lệnh mang ghế đến cho mình ngồi rồi sai cắm cờ lọng xung quanh, sau đó ngất ngưởng ngồi trên ghế uống rượu.

Lúc đó tướng phản loạn là Tháp Bất Đái từ xa nhìn tới, thấy Hoàng đế Đại Nguyên bình thản ngồi uống rượu, đứng hầu chỉ có vài chục người thì cho rằng nhất định có sự sắp đặt gì đây, phân vân suy tính rồi cho rằng quân triều đình đang phục sẵn ở gần đó nên không dám tiến lại gần.

Vì lo ngại trúng kế, Tháp Bất Đái cho quân lui về sau dựng trại nhưng vẫn cho người dò xét mọi động thái. Đêm đó quân chủ lực của triều đình mới tới, lập tức Hốt Tất Liệt ra lệnh bao vây quân phản loạn. Bọn Tháp Bất Đái bị tấn công, tuy liều mạng chống cự nhưng không thể phá nổi vòng vây.

Trận đó Hốt Tất Liệt thắng lớn, nhân đà ông cho tiến đánh Nãi Nhan, chống không nổi Nãi Nhan bị bắt sống rồi bị đem ra xử tử. Sau đó các lực lượng của Kháp Đan rồi Hải Đô lần lượt bị tiêu diệt, cuộc phiến loạn của các chư vương bị dẹp yên, Hốt Tất Liệt củng cố được sự thống nhất của vương triều nhà Nguyên.

Mùa xuân năm Giáp Ngọ (1294) Hốt Tất Liệt ốm rồi qua đời, làm vua được 35 năm, thọ 80 tuổi; thụy hiệu là Thánh Đức Thần Công Văn Võ hoàng đế, miếu hiệu là Nguyên Thế Tổ. Trước khi mất ông ban chiếu truyền ngôi cho cháu là Thiết Mục Nhĩ (tức Nguyên Thành Tông).

* Tài liệu tham khảo:

1. Chuyện cung đình các đế vương Trung Hoa

2. Chính sử Trung Quốc qua các triều đại

3. Những ông vua nổi tiếng Trung Quốc

4. Trung Hoa cổ sử, thiên hạ tranh hùng

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news