Tin mới

Những hương vị gạo nếp ngon nhất Việt Nam

Thứ ba, 24/10/2017, 08:48 (GMT+7)

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với rất nhiều loại gạo thơm ngon bổ dưỡng như: gạo nếp nương Điện Biên; gạo nếp cái hoa vàng; gạo nếp tú lệ; gạo nếp Ngỗng.

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với rất nhiều loại gạo thơm ngon bổ dưỡng như: gạo nếp nương Điện Biên; gạo nếp cái hoa vàng; gạo nếp tú lệ; gạo nếp Ngỗng.

Là đất nước nông nghiệp, Việt Nam có rất nhiều vựa lúa lớn như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh thành đều chuyên canh trồng trọt, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cũng như những loại gạo đặc sản đặc trưng cho vùng miền.

Từ xa xưa, gạo luôn là sản phẩm quý nhất trong số những sản vật nuôi trồng. Gạo được ví như ngọc thực. Bên cạnh những loại gạo thông thường cho bữa cơm hằng ngày thì còn có gạo nếp, một thứ gạo dẻo hơn, thơm hơn, được dùng để đồ xôi, làm bánh trong những dịp quan trọng của gia đình, làng xã, những dịp lễ hội, ngày Tết.

Hãy cùng điểm xem bạn đã thử bao nhiêu hương vị gạo nếp ngon, chất lượng nhất Việt Nam.

Gạo nếp nương Điện Biên - đặc sản núi rừng Tây Bắc

Trong số rất nhiều những loại gạo nếp được sử dụng phổ biến trên khắp cả nước, có lẽ gạo nếp nương Điện Biên là sản phẩm nổi tiếng nhất. Có lẽ, chỉ cần nhắc đến cái tên Điện Biên thôi đã đủ để người ta tin tưởng vào chất lượng của loại gạo nếp nơi đây.

 

Có lẽ vì được trồng trên nương, uống nước núi rừng nên không phải chỉ khi nấu mới có mùi thơm, mà từ khi còn là hạt gạo, nếp nương Điện Biên đã mang trong mình một mùi hương thoang thoảng. Hạt nếp thơm, mềm dẻo, ngọt, là loại gạo nếp ngon nhất nhì, chính là đặc sản có một không hai của Điện Biên, của núi rừng Tây Bắc.

Gạo nếp nương Điện Biên phân biệt với các loại gạo nếp khác chính là những hạt mẩy, dài (gạo nếp vốn hạt hơi tròn, mập), màu trắng sữa. Những hạt nếp nương Điện Biên căng tròn, khi nấu lên có độ sáng bóng, vị ngọt, thơm, mềm dẻo. Nấu thành xôi có cảm giác như xôi không được kết dính lắm, hạt gạo không nở nhiều như các loại nếp khác. Nhưng khi ăn vào, mới thấy hết vị ngọt, sự dẻo, thơm trong hạt cơm và ăn không hề bị cứng.

Gạo nếp nương không sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật nên nhiều người ví nó như là một đặc sản của trời đất ban cho con người. Gạo nếp nương Điện Biên có nhiều thành phần dinh dưỡng như Calori, Protein, Cacbon hydrat, các nguyên tố vi lượng. Từ gạo nếp nương, bà con vùng Tây Bắc sáng tạo ra nhiều món ngon vô cùng đặc sắc, kỳ công và ngon miệng như làm bánh chưng nếp nương lá riềng, xôi ngũ sắc, bánh dày,…

Có lẽ, nếp thơm Điện Biên chính là đặc sản trời cho mà không ở vùng cao nào có được, nó đã trở thành niềm tự hào của những người dân Điện Biên nói riêng, vùng núi rừng Tây Bắc nói chung.

Ngoài nếp nương Điện Biên thì ở Việt Nam cũng còn rất nhiều các loại nếp thơm ngon bổ dưỡng khác như gạo nếp nhung, nếp cái hoa vàng,…

Gạo nếp nhung: Trong những loại gạo nếp ngon thì gạo nếp nhung, loại gạo được gieo trồng ở các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, là loại gạo được nhiều người yêu thích, xuất khẩu đi khắp các tỉnh thành trong cả nước. Là loại gạo có tỉ lệ ra hạt cao nhất.

 

Gạo nếp nhung có hạt to, tròn, mập, màn trắng đục. Gạo khi nấu lên thành xôi có cảm giác nó nở ra, mùi thơm ngay từ khi nước sôi, hạt xôi dẻo thơm, có độ dính, ăn vào thấy vị ngọt, đến khi nguội vẫn còn giữ được độ keo dính.

Trong gạo nếp nhung có chứa đến 80% hàm lượng glucid, tỉ lệ tấm chưa đến 6%, không có tạp chất vô cơ và độ ẩm dưới 11%. Gạo nếp nhung là một phần không thể thiếu trong văn hóa lễ hội của dân tộc, là nguyên liệu để làm các món bánh chưng, bánh giày, bánh đúc,…

Gạo nếp nương Tú Lệ: "Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò", câu ca dao của dân tộc Thái ấy từ lâu không chỉ được truyền tụng khắp vùng Tây Bắc mà hương vị độc đáo của giống gạo quý ấy còn bay xa khắp mọi vùng đất nước.

 

Gạo Nếp Nương Tú Lệ nghe tên thôi cũng thanh tao quý phái rồi, hương vị thì khỏi chê ngon ngọt thấm đượm chân tình quê hương, làm nức lòng biết bao con người khi thưởng thức. 

Do đất Tú Lệ tơi xốp, màu mỡ, dễ ngấm nước, khí hậu ở Tú Lệ trong lành thuận lợi cho cây lúa phát triển tự nhiên nên nếp Tú Lệ vừa sạch, vừa có mùi thơm rất lạ. Hạt gạo to tròn như những con nhộng, trăm ngàn hạt đều như nhau, có màu trắng đục nấu cho cơm dẻo thơm, để lâu mà không bị vón lại. Ngoài thổi xôi, gạo nếp Tú Lệ dùng để làm bánh chưng, bánh dày hay chế biến các món bánh khác cũng vô cùng thơm ngon.

Gạo nếp cẩm còn gọi là nếp than, gạo đen, là loại gạo có màu sẫm thay vì màu trắng thông thường, khi nấu lên sẽ trở thành màu đỏ hoặc màu tím đen.

Gạo nếp cẩm được trồng ở rất nhiều vùng miền trong cả nước, tuy nhiên gạo nếp cẩm Tây Bắc mà cụ thể là Điện Biên nổi tiếng hơn hẳn về độ thơm ngon cũng như chất lượng gạo. Từng hạt gạo căng mẩy, bóng, đều nhau tăm tắp, chỉ cần vốc một nắm gạo trên tay cũng có thể cảm nhận được hương vị thơm dịu của núi rừng.

 

Đây là loại gạo có thành phần dinh dưỡng rất cao nên còn được gọi là "bổ huyết mễ" (gạo bổ máu). Gạo nếp cẩm có thể nấu thành cơm xôi hoặc dùng nấu rượu, ủ rượu nếp cũng là một bài thuốc quý bổ máu huyết, trừ giun sán, kích thích tiêu hóa...Ngoài những món ăn truyền thống, thì hiện nay các loại thực phẩm được chế biến từ gạo nếp cẩm cũng khá đa dạng như: Sữa chua nếp cẩm, bánh chưng nếp cẩm, bánh ít nếp cẩm, ….

Gạo nếp cái hoa vàng: Đã từ lâu người dân Việt Nam biết đến gạo nếp cái hoa vàng với cái tên nếp ả là giống lúa nếp nổi tiếng được trồng tại hầu khắp các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, đặc biệt tại Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nội. Đặc biệt, gạo nếp cái hoa vàng ở Kinh Môn (Hải Dương) được nhiều người biết đến hơn cả bởi chất lượng của nếp cái hoa vàng tốt hơn các giống gạo nếp khác.

 

Gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon nhất khi được trồng vào vụ mùa, vì vụ xuân có nhiều mưa lạnh và ốc bươu vàng nên không tốt cho cây lúa. Người nông dân chăm sóc giống lúa này khá đơn giản, không mất nhiều thời gian hay công sức vì nó có khả năng sinh trưởng, kháng sâu bệnh tốt. 
Loại gạo này có hạt gạo to tròn, có vị ngọt dịu dịu, hạt gạo màu nâu xẫm, thơm và dẻo. Khi nấu lên hạt trong và ráo, mềm nhưng không nát, ăn vừa thơm lại đậm đà, hạt gạo nếp đầy tròn, không vỡ, để 3-4 ngày sau khi nấu chín vẫn không bị khô cứng.

Gạo nếp ngỗng: Là loại gạo được xem ngon nhất ở miền Nam, được trồng nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, thường được sử dụng làm xôi trong gia đình Việt.

 

Hạt gạo nếp ngỗng dài, to trông giống như trứng ngỗng thu nhỏ, màu trắng sữa, có hương vị tự nhiên, thơm nhẹ. Khi chín thì nở vừa, dẻo nhiều, mềm, thơm hạt. Và đặc biệt, xôi vẫn dẻo ngon sau khi nguội.

Hiện nay có rất nhiều gạo nếp khác nhau, tuy nhiên gạo nếp ngỗng luôn được phần lớn người dân cả nước ưa chuộng vì độ dẻo thơm và chắc hạt. Mùi thơm của gạo nồng nàn trong đĩa xôi sẽ khiến người ta nhớ mãi.

Nguyễn Hà

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news