Tin mới

Cuộc đời chìm nổi của người tìm ra hang Sơn Đoòng

Thứ hai, 01/06/2015, 10:27 (GMT+7)

Từ một anh nông dân ít học, từng phải lên rừng tìm trầm để kiếm sống, anh đã trở thành người của huyền thoại, làm cả thế giới sửng sốt sau khi tìm ra hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng.

Từ một anh nông dân ít học, từng phải lên rừng tìm trầm để kiếm sống, anh đã trở thành người của huyền thoại, làm cả thế giới sửng sốt sau khi tìm ra hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng. 

Anh là Hồ Khanh (47 tuổi, trú thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Người được mệnh danh là ông “vua hang động”. Anh cũng là người  đầu tiên tìm ra hang Sơn Đoòng và vừa được UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ trao tặng huân chương lao động hạng ba cùng với ông Howard Limbert  vì đã có công phát hiện và khám phá hang Sơn Đoòng. 

Nhiều lần bị vỡ nợ 

Mặc dù đã trở thành người nổi danh trên cả thế giới, tuy nhiên Hồ Khanh vẫn giữ nguyên vẻ chất phác, giản dị của một anh nông dân. 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà riêng của mình, Hồ Khanh luôn tỏ ra là một người rất thân thiện. Anh kể về cuộc đời mình và hành trình tìm kiếm hang Sơn Đòng bằng giọng địa phương rất gần gũi, thân mật.

Anh Hồ Khanh đang kể về hành trình khám phá ra hang Sơn Đòong

 Hồ Khanh sinh ra và lớn lên tại thôn Phong Nha (xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em. Năm lên 13 tuổi, bố anh qua đời vì bạo bệnh. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà lại đông anh em nên học hết lớp 6, Hồ Khanh đã phải nghỉ học để ở nhà chăn trâu bò giúp mẹ.

 Năm 18 tuổi, nhiều thanh niên trong vùng lên rừng tìm trầm, theo phong trào, Hồ Khanh cũng đi rừng tìm trầm hương để kiếm sống. Trong những chuyến đi đó, anh đã phát hiện ra nhiều hang động thuộc rừng Phong Nha – Kẻ Bàng. Hang Én cũng được anh phát hiện từ năm 1986. 

Năm 1994, anh Khanh lập gia đình. Từ đó, anh bỏ nghề đi trầm để đầu tư máy móc tập trung làm nông nghiệp. Tuy nhiên, dân trong vùng thời đó nghèo, họ toàn nên nên gia đình anh Khanh bị bể nợ, phải bán hết máy móc.

Năm 1999, Hồ Khanh tiếp tục đầu tư làm kinh tế. Anh lập trang trại tại khu hành chính Ban quản lý vườn bây giờ, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ để giải tỏa.

“Họ đền bù không thỏa đáng, vốn bỏ ra nhiều mà đền ít nên gia đình tôi lúc đó lại một lần nữa rơi vào cành bị vỡ nợ”, Hồ Khanh nói.

Năm 2002, Hồ Khanh mở quán cà phê lấy tên là Hồ Trên Núi nhưng vắng khách nên thu nhập cũng không được nhiều. Suốt hơn nửa đời người, cuộc sống của anh vẫn luôn chật vật với nỗi lo toan cơm áo gạo tiền.

Tôi đã kể cho họ nghe

Hang Sơn Đoòng được Hồ Khanh phát hiện vào năm 1990 trong một chuyến đi tìm trầm. Lần đó,  anh đi qua khu vực hang Én và tình cờ phát hiện một cái hang. Đứng trước cửa hang, anh cảm nhận có một luồng gió mát lạnh thổi thốc từ trong hang ra, tiếng gió rít qua vách đá đến lạnh người.

“Vì tò mò, tôi đã liều mình vào hang, xuống sâu khoảng 100m. Bên trong có suối lớn, nước chạy ầm ầm. Thấy hang này lớn nhưng tôi đoán đây có thể là hang động lớn nhất vùng, chứ không nghĩ rằng đó lại là hang động lớn nhất thế giới. Lúc đó chỉ gọi là hang Đoòng, vì hang này thuộc xứ Đoòng.  Sau khi khám phá ra mới đặt lại và có thêm chữ Sơn”, anh Khanh nhớ lại.

Anh kể tiếp, năm 2005, khi vợ chồng Howard Limbert (nhóm thám hiểm hang động Hoàng gia Anh) đến nhờ anh dẫn đường đi tìm các hang động ở Phong Nha – Kẻ Bàng. Trong một chuyến đi tìm kiếm, nằm nghỉ tại Hang Én, anh đã kể với ông Howard Limbert về cái hang kỳ lạ có gió rít đến lạnh người. Khi nghe Hồ Khanh kể xong, mắt ông  Howard Limbert sáng lên và ông yêu cầu Hồ Khanh nhớ lại và đi tìm cái hang đó.

“Lúc đó tôi khẳng định rằng nhất định sẽ tìm ra hang động đó. Nhưng phải cho tôi thời gian, chứ tìm luôn thì chưa được”, anh Khanh nói.

Năm 2007, anh Khanh cùng người cháu của mình là Hồ Văn Minh và một người trong đoàn thám hiểm đi tìm hang Sơn Đòong, nhưng không có kết quả.

 Đầu năm 2008, Hồ Khanh lại một lần nữa quyết định băng rừng để tìm lại cái hang đặc biệt. Sau 3 ngày vượt núi lần mò, cuối cùng anh cũng tìm thấy cái hang có làn gió thổi đến lạnh người..

Năm 2009, khi đoàn của ông Howard Limbert trở lại đã cùng Hồ Khanh lên đường khảo sát hang Sơn Đoòng. Sau khi rời hang, ông Howard Limbert nói có thể đây sẽ là hang động lớn nhất thế giới.

Sau đó một tháng, đoàn thám hiểm cùng với người của khoa địa chất trường đại học Khoa học – Tư nhiên Hà Nội và một nhà địa chất Mỹ quay lại hang chính thức đo đạc để công bố.

“Ông đã là người của huyền thoại” 

Từ đó trở đi, Hồ Khanh cộng tác với đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh, hàng năm vào rừng Phong Nha tìm thêm nhiều hang động. 

Anh cũng là người sắp xếp tua du lịch vào hang Sơn Đòong cho công ty du lịch Châu Á. Tuy nhiên, anh Khanh chỉ nhận làm hợp đồng thời vụ từ tháng 1 đến tháng 8 dương lịch.

 Bên cạnh đó, hiện anh cũng đầu tư kinh doanh nhà nghỉ bên bờ sông Son theo mô hình Home stay. 

 Home stay của Hồ Khanh được xây dựng từ năm 2002, hiện có 6 phòng với kinh phí xây dựng 1,8 tỷ đồng. Để xây dựng cơ sở này, anh đã phải vay mượn 750 triệu đồng. Mới đầu hoạt động, vì không có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về du lịch, anh Khanh được vợ chồng ông  Howard Limbert hỗ trợ, truyền đạt cách thức để quảng bá hình ảnh trên mạng internet. 

Anh Khanh chia sẻ: “Thời gian đầu, việc tìm kiếm khách trên mạng đều do ông bà Howard Limbert làm, nhưng bây giờ thì các cháu của tôi đã có thể làm những công việc này. Thỉnh thoảng, vợ chồng Howard Limbert đến kiểm tra xem mình làm có đúng không”. 

Anh cho biết, việc xây dựng “Home stay” ngoài mang lại kinh tế cho gia đình, thì mục đích chính của anh là để tạo công ăn việc làm cho mấy đứa cháu học ra chưa xin được việc làm. 

Khi đoàn làm phim của đài ABC (đến từ Mỹ) đến để quay phim về Sơn Đoòng và hang Én, chuyến đi thực hiện chương trình trực tiếp trên sóng Good Morning America hôm 13/5, họ đã đề xuất "không thể thiếu Hồ Khanh" trong đội ngũ dẫn đường, hỗ trợ các chuyên gia và phóng viên thực hiện chương trình truyền hình Good Morning America (Chào buổi sáng nước Mỹ). 

Hồ Khanh và chuyên gia thám hiểm hang động Howard Limbert (Ảnh chụp lại)

Chia sẻ về chuyến đi cùng đoàn làm phim, mắt anh Khanh như sáng rực lên. Anh kể, trong chuyến đi thực hiện chương trình Good Morning America , lúc xuống máy bay, sau khi được người của Công ty Châu Á giới thiệu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã bắt tay tôi và nói: “Ông đã trở thành của người huyền thoại rồi!” 

“Được đi theo đoàn làm phim của một hãng phim lớn, tôi thấy rất tự hào, tự hào về quê hương mình. Vì vậy, tôi đã cố gắng làm việc rất nhiệt tình để giúp đỡ họ. Hy vọng sau chuyến làm phim nay, lượng khách du lịch đến Quảng Bình sẽ nhiều hơn”, anh Khanh chia sẻ. 

Hà Nhi

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news