Tin mới

Bộ Y tế họp báo chính thức: "Người dân không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc rượu"

Thứ sáu, 11/01/2019, 20:40 (GMT+7)

Chiều 11/1, Bộ Y tế quyết định tổ chức họp báo để cung cấp thông tin chính thức về trường hợp điều trị ngộ độc rượu methanol bằng bia.

Chiều 11/1, Bộ Y tế quyết định tổ chức họp báo để cung cấp thông tin chính thức về trường hợp điều trị ngộ độc rượu methanol bằng bia.

VnExpressTri Thức Trực Tuyến đưa tin, chiều 11/1, Bộ Y tế họp thông tin về trường hợp điều trị ngộ độc rượu methanol tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đang gây xôn xao dư luận khi truyền 15 lon bia để giải độc rượu. Tham dự có lãnh đạo của Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Pháp chế và lãnh đạo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Bộ Y tế tổ chức họp báo để công bố thông tin chính thức về việc bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị dùng bia khi cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu. Ảnh: Zing.vn

Trước đó như đã đưa tin, ngày 25/12/2018, bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, Triệu Phong, Quảng Trị) trong tình trạng hôn mê, nguy kịch do ngộ độc rượu nghiêm trọng.

Để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ truyền ba lon bia tức 990 ml vào đường tiêu hóa của bệnh nhân. Mỗi giờ tiếp theo, bệnh nhân được truyền thêm một lon bia. Sau khi truyền tổng cộng 15 lon bia, tức gần 5 lít, bệnh nhân dần bình phục, tỉnh táo. Ngày 9/1, ông Nhật đã xuất viện, sức khỏe ổn định.

Bộ Y tế cho biết Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã xử trí theo phác đồ điều trị ngộ độc methanol của Bộ. Cụ thể gồm kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn và lọc máu cấp cứu để thải độc methanol. Bên cạnh đó, trong quá trình lọc máu thải độc, các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp hỗ trợ khác, trong đó có truyền bia (có ethanol) vào dạ dày qua ống thông.

Bệnh nhân được chuyền gần năm lít bia vào cơ thể để kéo dài thời gian giải độc. Ảnh: VnExpress

Theo Bộ Y tế, lọc máu cấp cứu là biện pháp quan trọng hàng đầu và quyết định việc đào thải methanol ra khỏi cơ thể người bệnh. Trong quá trình lọc máu thải độc, ethanol cũng có thể được sử dụng theo đường tiêu hóa để tranh chấp chuyển hóa với methanol có trong máu.

Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ này chỉ có thể tạm thời trì hoãn việc chuyển hóa Methanol thành các độc chất (axit formic và format) gây hại cho người bệnh và phải được thực hiện, theo dõi sát tại cơ sở y tế có đủ điều kiện, theo hướng dẫn chuyên môn và chỉ định của bác sĩ. 

Vì thế Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

- Hạn chế sử dụng rượu, bia bởi các loại đồ uống này có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, 

- Khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu, bia thì phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu, bia gây ra, không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu; nếu đã ngộ độc Ethanol (có trong rượu, bia) mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia (có Ethanol) thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng.

- Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu, bia giả vì các loại rượu, bia này có thể chứa Methanol.

Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết: “Thực tế, bia hay rượu đều có chưa ethanol gây hại sức khỏe, không có chuyện uống bia sẽ không gây hại cho cơ thể. Chúng tôi mong người dân sử dụng rượu, bia văn minh, có điểm dừng để tránh hậu quả đáng tiếc”.

Trang Vũ (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news