Tin mới

Báo đảng Trung Quốc khích bác về ảo tưởng sức mạnh của Mỹ

Thứ sáu, 22/09/2017, 17:10 (GMT+7)

Báo chí Trung Quốc mới đây đã hướng ngòi bút chỉ trích của mình đến lời đe dọa về việc "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu cần thiết của ông Trump.

Báo Chí Trung Quốc mới đây đã hướng ngòi bút chỉ trích của mình đến lời đe dọa về việc "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu cần thiết của ông Trump.

Mới đây, tờ Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) đã đăng một bài xã luận mới. Bài xã luận nhấn mạnh hành động "vỗ ngực xưng tên" trên chính trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ là vô ích.

Tờ báo đảng này lên tiếng cảnh báo, lời đe dọa của Trump có thể sẽ khiến Bình Nhưỡng buộc phải tìm tới những Chính sách mang đầy rủi ro hơn cho an ninh của khu vực. Lý giải về lời cảnh báo, tờ báo chính thống này cho rằng, hiện nay, Bình Nhưỡng đang có cảm giác sự tồn tại của chế độ Triều Tiên đang từng ngày bị đe dọa.

"Trò chơi đầy rủi ro"

Trong một bình luận, tờ Nhân dân Nhật báo nhận định, "đã đến lúc chính phủ Mỹ nhận ra rằng, những hành động và lời lẽ vô trách nhiệm của họ đang đẩy Triều Tiên vào ngõ cụt. Đây sẽ trở thành thảm kịch nếu trò chơi mang tính may rùi này của ông Trump với Triều Tiên vượt qua ngưỡng không thể quay đầu".

Lời chỉ trích cũng như cảnh báo của Nhân dân Nhật báo được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi ông chủ Nhà Trắng Trump đưa lời đe dọa sẽ xóa sổ Triều Tiên. Lời đe dọa của Trump được đưa ra trước sự chứng kiến của đại diện đến từ hơn 190 nước thành viên Liên Hợp Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và các đại diện của các quốc gia trên thế giới.

Trong lời cảnh báo của mình, ông Trump khẳng định rằng, "Sự kiên nhẫn và sức mạnh của nước Mỹ rất vĩ đại, nhưng nếu bị buộc phải bảo vệ chính mình và đồng minh, Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên. Người tên lửa (ông Kim Jong Un) đang tự sát cùng với chế độ của ông ta".

Ngay sau bài phát biểu của ông Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng đưa ra một thông điệp tương tự tờ báo chính thống này, tuy nhiên ở mức độ "khéo léo" hơn.

Cụ thể, ông Lục Khảng nhấn mạnh, hiện nay tình hình trên bán đảo Triều Tiên vẫn đang vô cùng nhạy cảm và phức tạp nên "chúng tôi hi vọng các bên liên quan có thể kiềm chế trong lúc thực thi các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đồng thời có nhiều hành động đúng đắn hơn có ích trong việc giảm nhiệt tình hình".

Quay lại với bài xã luận của tờ Nhân dân Nhật báo, bài viết còn nhấn mạnh, Bắc Kinh không coi vấn đề phát triển hạt nhân của Triều Tiên là vấn đề của nước này. Theo tờ báo này, "Bắc Kkinh sẵn sàng giữ một vai trò, chịu trách nhiệm với vị trí của một cường quốc. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không gánh chịu trách nhiệm cho những lợi ích ích kỷ của nước Mỹ".

Theo nhận định của giới chuyên gia, Bắc Kinh luôn "khó chịu" với quan điểm "Trung Quốc là quốc gia phải chịu trách nhiệm chính để giải quyết chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên". 

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến chính phủ và truyền thông nước này luôn bác bỏ "vai trò chủ chốt" trong việc giải quyết vấn đề.

Nghi ngại về "cuộc chiến đẫm máu"

Bình luận về lời đe dọa hủy diệt của ông Trump, tờ Hoàn cầu Thời báo (phụ bản của tờ Nhân dân Nhật báo) nhận định rằng, thực tế đã chứng minh rằng, Triều Tiên khó có thể bị khuất phục trước những áp lực dưới lệnh trừng phạt mà cộng đồng quốc tế áp đặt lên nước này.  Tờ này đưa ra giả thuyết, "việc đẩy Bình Nhưỡng tới giới hạn cuối cùng có khả năng sẽ châm ngòi một cuộc chiến đẫm máu". Tờ báo này còn nhấn mạnh: "Washington đã quá ám ảnh với sức mạnh của mình".

Tuy đồng ý thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, nhưng chính phủ của ông Tập Cận Bình vẫn luôn để ra một "lối thoát" cho Bình Nhưỡng. Trung Quốc đã yêu cầu nghị quyết này phải loại bỏ nội dung cấm vận bán dầu cho Triều Tiên. Bởi lẽ, Trung Quốc hiểu rằng động thái cứng rắn này sẽ chỉ khiến Triều Tiên ngày càng xa lánh nước này.

Bắc Kinh hiện được cho là đồng minh thân cận duy nhất của Bình Nhưỡng, gần 80% kim ngạch thương mại quốc tế của Triều Tiên được thực hiện với Trung Quốc. 

Chuyên gia nhận định, Trung Quốc không muốn Bình Nhưỡng bị dồn vào chân tường vì lo lắng sẽ bị trở mặt. Bắc Kinh khó có thể đối mặt với một kẻ thù được trang bị hạt nhân ngay trước cửa nhà mình. 

Hơn nữa, nếu Bình Nhưỡng chịu tổn thất nặng nề, thì đồng minh là Bắc Kinh cũng khó có thể tránh khỏi "trầy xước". Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.

Vì vậy, trên phương án ngoại giao và không dùng vũ lực, Trung Quốc luôn kêu gọi các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán, đồng thời thúc Mỹ dừng những lời lẽ khiêu khích. 

Còn ở phương án quân sự, Trung Quốc luôn kịch liệt phản đối Mỹ phát động chiến tranh để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Tuy nhiên, việc "vỗ ngực xưng tên" của ông Trump như Nhân Dân Nhật Báo viết có thật sự chỉ trên mặt lời nói hay không vẫn không nói trước được. 

Nghiêm Thu (Nhân dân Nhật báo)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news