Tin mới

Vụ ông Trịnh Xuân Thanh: Đại sứ quán Đức vẫn chưa có thông tin

Thứ tư, 28/09/2016, 15:47 (GMT+7)

Trước câu hỏi về giả thiết ông Trịnh Xuân Thanh lẩn trốn tại Đức, Phó Đại sứ - Trưởng phòng lãnh sự, TS Wolfang Manig đã từ chối bình luận khi chưa có thông tin chính xác.

Trước câu hỏi về giả thiết ông Trịnh Xuân Thanh lẩn trốn tại Đức, Phó Đại sứ - Trưởng phòng lãnh sự - Trưởng Phòng Kinh tế, TS Wolfang Manig đã từ chối bình luận khi chưa có thông tin chính xác.

Đại diện của Đại sứ quán Đức từ chối đưa ra những bình luận ngoài lề về vụ ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: NLĐ

Theo thông tin trên Người Lao Động, Công an Nhân dân, tại buổi họp báo ngày 28/9 do Đại sứ quán Đức tại Hà Nội tổ chức nhân dịp Quốc khánh Đức (3/10). Trước câu hỏi của phóng viên liên quan đến trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, Phó Đại sứ - Trưởng phòng lãnh sự - Trưởng Phòng Kinh tế, TS Wolfang Manig đã từ chối bình luận khi chưa có thông tin chính xác.

Liên quan đến một số giả thuyết cho rằng ông Trịnh Xuân Thanh - người đang bị Việt Nam truy nã trong nước và quốc tế, chạy trốn sang Đức là nơi ông Thanh từng làm việc vài năm, trong khi 2 nước chưa ký kết hiệp định hợp tác về dẫn độ tội phạm, phóng viên đặt câu hỏi giả sử ông Thanh bị bắt giữ tại đây, liệu 2 bên sẽ phối hợp như thế nào để bắt giữ, dẫn độ bị can này.

Phó Đại sứ Wolfang Manig cho biết Việt Nam đã phát lệnh truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh thông qua Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol. Đến nay, vẫn chưa có thông tin chi tiết cho biết nhân vật đó đang ở đâu. Khi chưa có thông tin chi tiết về việc ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu thì câu hỏi về việc dẫn độ nhân vật này không được đặt ra.

Trước đó, ngày 17/9, liên quan tới thông tin cho rằng bị can Trịnh Xuân Thanh đang trốn ở Đức, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), cũng thông tin: "Hiện nay Việt Nam và CHLB Đức chưa ký hiệp ước dẫn độ nên giả sử Trịnh Xuân Thanh trốn ở đây thì sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, hai quốc gia vẫn có thể áp dụng các Điều ước quốc tế liên quan mà cả hai quốc gia là thành viên.

Khi đó, vấn đề dẫn độ tội phạm có thể được thực hiện theo sự thoả thuận giữa 2 chính phủ, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế".

Đức Hòa (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news