Tin mới

Đắc Nông: Nhuộm đen cà phê bằng lõi pin có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Thứ năm, 19/04/2018, 16:52 (GMT+7)

Vụ việc cơ sở thu mua nông sản của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Loan (đóng tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) bị bắt quả tang dùng lõi pin để nhuộm cà phê khiến dư luận phẫn nộ, lên án và đề nghị cơ quan quản lý phải xử lý nghiêm minh hành vi của chủ cơ sở.

Vụ việc cơ sở thu mua nông sản của gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Loan (đóng tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) bị bắt quả tang dùng lõi pin để nhuộm cà phê khiến dư luận phẫn nộ, lên án và đề nghị cơ quan quản lý phải xử lý nghiêm minh hành vi của chủ cơ sở.

Liên quan đến những vấn đề pháp lý của vụ việc, thạc sĩ, Luật sư Vũ Quang Bá (công ty Luật TNHH Khải Hưng, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc dùng pin để nhuộm cà phê của chủ cơ sở ở Đắk Nông không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn thực phẩm mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương hiệu cà phê cũng như làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Cơ quan cảnh sát đang điều tra vụ nhuộm cafe bằng lõi pin con ó.

Do đó, thiết nghĩ cần xử lý nghiêm sai phạm của chủ cơ sở trước pháp luật, đây là hồi chuông cảnh tỉnh tới những đối tượng đã và đang cũng như có ý định vì lợi ích kinh tế mà sẵn sàng, bất chấp pháp luật, niềm tin người tiêu dùng để sản xuất, cung cấp sản phẩm gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.

Hiện nay, theo luật An toàn thực phẩm 2010, hành vi sử dụng pin để nhuộm cho sản phẩm cà phê của chủ cơ sở được xem là một trong những hành vi bị cấm. Có thể thấy hành vi chủ cơ sở sản xuất cà phê không chỉ đáng lên án về mặt đạo đức kinh doanh mà còn phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với hành vi trái pháp luật.

Theo đó, với hành vi dùng pin để nhuộm cho sản phẩm cà phê của chủ cơ sở sản xuất đã không chỉ xâm phạm đến chế độ quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà còn trực tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng khi đã tin tưởng lựa chọn, sử dụng cà phê do cơ sở sản xuất và cung cấp.

Hành vi của chủ cơ sở đã có dấu hiệu tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 317, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Hiện nay, theo quy định Bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Cà phê được trộn bằng bồn trộn bê tông và đổ xuống đất.

Tuy nhiên, để có cơ sở xác định mức hình phạt, cần làm rõ về số tiền chủ cơ sở đã thu lời bất chính từ việc sản xuất cà phê có nhuộm pin hoặc hậu quả của việc sử dụng sản phẩm dẫn đến người tiêu dùng bị tử vong hoặc tổn thương cơ thể theo tỷ lệ được Bộ luật Hình sự quy định.

Cũng liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nhận định hành vi nhuộm đen cà phê bằng pin có dấu hiệu của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, được quy định tại Điều 193 BLHS 2015.

Theo đó, nếu là pháp nhân thương mại thì tùy từng trường hợp có thể bị phạt tiền đến 18 tỉ đồng, hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm, hoặc bị đình chỉ vĩnh viễn. Nếu là cá nhân thì có thể bị phạt tù mức cao nhất là tù chung thân.

LS Trang phân tích, nếu cơ quan công an điều tra không chứng minh được hành vi nêu trên đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì chỉ xử phạt hành chính theo khoản 6, 7 Điều 5 Nghị định 178/2013 (về xử phạt trong lĩnh vực thực phẩm).

Theo đó, phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng, đồng thời có thể bị phạt tiền bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm nếu mức phạt tiền quy định khung thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm.

LS Hoàng Tư Lượng (Đoàn LS TP.HCM) cũng đánh giá hành vi của chủ cơ sở trên chỉ vì lòng tham lam mà bất chấp đạo đức kinh doanh, pháp luật để kinh doanh loại hàng hóa độc hại ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

Khác với ý kiến LS Trang, LS Lượng cho rằng, hành vi của bà Loan là hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm, có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm quy định tại Điều 317 BLHS 2015, với khung hình phạt từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Ngoài ra, Điều 317 cũng có quy định phạt tù từ 3 năm đến 20 năm, phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn khác như khác như phạm tội có tổ chức, gây tổn hại sức khỏe, làm chết người…

Trước đó, ngày 15-4, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Đắk Nông) phối hợp với các cơ quan chức năng trong tỉnh kiểm tra và phát hiện cơ sở thu mua nông sản của bà Loan chứa hàng chục tấn cà phê phế phẩm được nhuộm đen bằng pin Con Ó. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng xác định có hơn 20 tấn sản phẩm được đóng thành bao 50-70 kg/bao không có nhãn mác, thương hiệu.

Chủ cơ sở cho biết đã mua cà phê vụn, thải loại, vỏ cà phê xay trộn với bột đá rồi ngâm qua nước bột pin. Tất cả nguyên liệu này được cho vào một máy trộn bê tông để tạo màu, sau đó đem sấy, đóng bao bán ra thị trường.

Giang Trần (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news