Tin mới

ĐB Quốc hội tranh luận về quyền im lặng

Thứ năm, 28/05/2015, 11:17 (GMT+7)

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, Bộ luật đưa ra nhiều điều luật mới tưởng tiến bộ nhưng rất nguy hiểm, trong đó, luật quy định quyền im lặng của người phạm tội là không đúng.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, Bộ luật đưa ra nhiều điều luật mới tưởng tiến bộ nhưng rất nguy hiểm, trong đó, luật quy định quyền im lặng của người phạm tội là không đúng.

Tại phiên thảo luận hôm qua (27/5) về dự án Luật tố tụng hình sự (sửa đổi), nhiều đại biểu quốc hội đã tranh luận về các điều 41, 42 và 43 của dự thảo bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) cho phép người bị tạm giam, bị can, bị cáo... có quyền im lặng, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hay tự buộc mình có tội. 

Theo thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an Thanh Hóa, các bị can, bị cáo phải có nghĩa vụ, quyền được trình bày những ý kiến, hành vi của mình, chứng minh mình không phạm tội và có trách nhiệm giải thích chứ nếu im lặng là không có lý.

“Quyền im lặng là rất vô nghĩa, nhất là nước ta trong giai đoạn hiện nay khi trình độ dân trí, nhận thức như thế. Nếu quy định quyền im lặng là không phù hợp, gây khó khăn cho cơ quan tố tụng, tính nghiêm minh pháp luật không cao... Có những vụ đánh người gây thương tích như thế mà im lặng không trình bày thì không được”, ông Xuyên nói.

Đồng ý kiến, đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của QH cho rằng: Bộ luật này đưa ra nhiều điều luật mới tưởng tiến bộ nhưng rất nguy hiểm. 

"Thứ nhất, mấy việc oan sai rất ít mà sửa luật làm khó cho cơ quan tố tụng. Luật quy định quyền im lặng của người phạm tội, theo tôi, không đúng”, ông Đương nói. 

Tranh luận về... quyền im lặng

ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của QH

Cũng theo ông Đương, trong luật của nước Mỹ, quyền im lặng là khi chưa có người bào chữa thì anh có quyền im lặng nhưng họ có chế định mặc cả thú tội. Chứ không phải sửa trong dự thảo luật của ta là không buộc phải khai, không buộc phải nhận tội ngầm hiểu là không khai báo gì cả. Rất nguy hiểm.

Trong khi đó, một số đại biểu lại nêu quan điểm đồng tình, ủng hộ đề xuất trên và cho rằng  thực thi "quyền im lặng" thể hiện sự tiến bộ, phù hợp với công ước về dân sự mà Việt Nam đã tham gia. 

 “Mình không thực hiện quyền này là hạ thấp chuẩn mực của tố tụng hình sự, hạ thấp quyền của người dân với quốc tế”, luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐB TP.HCM) nói.

Theo ông Nghĩa: "Các vụ án gây bức xúc gần đây như vụ Hồ Duy Hải, Lê Bá Mai cho thấy có những sai phạm trong công tác điều tra, trong đó có việc không coi trọng chứng cứ mà tập trung nhiều vào lời khai. Chuyện trọng chứng hơn cung mấy chục năm nhưng khi làm lại có xu hướng đi vào cung hơn là chứng".

Chung quan điểm, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án TAND tối cao dẫn lại vụ án, có ông giáo sư đại học bị cơ quan điều tra dọa: nếu anh không nhận tội thì chúng tôi sẽ bắt giam cả anh và bố anh khiến vị giáo sư phải nhận tội nhưng sau đó chứng minh được là ông bị oan (vụ án 2.000 ngày) để nêu quan điểm: “Công dân có quyền im lặng, còn trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc cơ quan buộc tội, là trách nhiệm của nhà nước. Nhà nước muốn buộc tội thì nhà nước phải chứng minh”.

“Có ý kiến cho rằng nếu không khai báo thì làm sao điều tra được, theo tôi đó là trách nhiệm của nhà nước. Trong quan hệ dân sự người nào kiện thì người đó phải chứng minh, còn tố tụng hình sự là mối quan hệ giữa nhà nước với cá nhân. Công tố là quyền của nhà nước thì Nhà nước phải có nghĩa vụ chứng minh”, ông Độ phân tích.

Ông Độ cũng cho rằng, cần từ bỏ tư duy cũ trong án hình sự là nếu người bị bắt không nhận tội hoặc không khai báo thì được coi là tình tiết tăng nặng. 

H.M (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news