Tin mới

ĐB Lưu Bình Nhưỡng: Nếu đồng bọn của những kẻ “tù tại gia” đến giải cứu hoặc thủ tiêu thì sao?

Thứ năm, 15/11/2018, 10:19 (GMT+7)

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện Quốc hội đánh giá đề xuất “tù tại gia” là một ý tưởng hay nhưng cần được nghiên cứu thấu đáo để tránh rất nhiều hệ luỵ có thể xảy ra.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện Quốc hội đánh giá đề xuất “tù tại gia” là một ý tưởng hay nhưng cần được nghiên cứu thấu đáo để tránh rất nhiều hệ luỵ có thể xảy ra.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: QH

Trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lần đầu tiên đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Đề xuất này ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến bình luận trái chiều.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) – Phó ban Dân nguyện Quốc hội đánh giá đề xuất này là một ý tưởng hay nhưng cần được nghiên cứu thấu đáo để tránh rất nhiều hệ luỵ có thể xảy ra.

Theo ĐB Nhưỡng, đề xuất này không phải đề xuất mới. Việc này đã được đưa ra bàn thảo trong quá trình thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị ngày 02/06/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Những vấn đề này các cơ quan tham mưu cũng đã đề cập đến. Tuy nhiên, đây là vấn đề không đơn giản. Vì thế, cần phải có sự nghiên cứu sâu sắc cả những vấn đề trong nước và kinh nghiệm của nước ngoài. Nếu không, việc thực thi rất khó. 

"Bởi nếu anh không có điều kiện cụ thể, gia đình tù nhân để xổng thì sao? Chìa khóa anh có thể cầm nhưng người ta phá khóa thì sao?

Thứ hai, đối tượng nào thì nên cho “tù tại gia”? Nếu đối tượng có đồng bọn đến giải cứu hoặc thủ tiêu tại gia đình thì sao? Chúng ta có thể thấy rất khó để xử lý vấn đề này", trên VTC News dẫn lời ĐB Nhưỡng băn khoăn.

Phó ban Dân nguyện Quốc hội cho rằng, muốn áp dụng cách này cần có đề tài nghiên cứu khoa học, lấy ý kiến của nhiều nhà chuyên gia, khoa học thậm chí lấy ý kiến của người dân để đánh giá tác động, thậm chí lấy ý kiến cả những người đang thụ án tù xem quan điểm của người ta như thế nào, có mong muốn thế không.

"Bởi ở trong trại người ta còn được học tập, giáo dục, học nghề, vậy ở đây người ta có được học nghề không? Như vậy ở đây có nhiều vấn đề, không chỉ một câu nói mà thành một đạo luật được", ông Nhưỡng đặt câu hỏi.

ĐB Nhưỡng cũng cho rằng, việc phân loại tội phạm được “tù tại gia” cũng rất khó xác định. Thông thường trên 5 năm là tội rất nguy hiểm rồi. Anh giải quyết như thế nào? Thậm chí anh không biết phía đằng sau là gì nữa! Đối với một người anh cho người ta đi tù vì tội này nhưng biết đâu dính một tội khác.

"Nếu lúc đó đồng bọn tấn công giải cứu hoặc giết chết thì ai là người chịu trách nhiệm. Chỉ cần một vấn đề thôi đã là một đề tài lớn vì liên quan đến quyền con người, trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm của gia đình.

Ngoài ra còn việc cải tạo họ như thế nào? Tù đâu chỉ là giam. Có phải hàng ngày anh phải đến giảng cho họ, cải tạo họ không? Đến từng nhà à? Ai làm được? Đây là một câu chuyện Nhà nước. Một câu chuyện cực kỳ nghiêm túc", ông Nhưỡng băn khoăn.

Trước đó chiều (12/11), trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lần đầu tiên đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

Đồng tình với đề xuất này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, ở một số nước có áp dụng gắn chip theo dõi để quản lý tại gia, và đây là giải pháp để một số lượng lớn người cố gắng cải tạo tốt có thể được ở ngoài.

Bên hành lang Quốc hội sáng 13/11, nói rõ hơn đề xuất "tù tại gia", Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, hình thức này chỉ nên áp dụng với những tội phạm không nghiêm trọng, như tội như cố ý gây thương tích hoặc vi phạm trong đối xử với bố mẹ, anh em...

"Còn với những tội nghiêm trọng về ma tuý, tham nhũng, giết người, tội phạm an ninh quốc gia thì phải đưa vào tù tập trung, cách ly khỏi xã hội. Nói chung tuỳ loại đối tượng mới áp dụng, sau này các cơ quan bảo vệ pháp luật cần quy định cụ thể trong luật", trên VnExpress dẫn lời ông Phớc nêu quan điểm.

Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news