Tin mới

Đại sứ Nguyễn Quang Khai kể về hành trình hơn 1.000km trên xe buýt từ Iraq với Thủ tướng Phan Văn Khải

Thứ ba, 20/03/2018, 10:42 (GMT+7)

Những năm 1990, Iraq rất khó khăn do bị cấm vận, nhưng để giúp DN xuất khẩu hàng hóa sang đây theo diện "Đổi dầu lấy lương thực", Thủ tướng Phan Văn Khải đã không ngần ngại lên đường.

Những năm 1990, Iraq rất khó khăn do bị cấm vận, nhưng để giúp DN xuất khẩu hàng hóa sang đây theo diện "Đổi dầu lấy lương thực", Thủ tướng Phan Văn Khải đã không ngần ngại lên đường.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai kể về hành trình hơn 1.000km trên xe buýt từ Iraq với Thủ tướng Phan Văn Khải - Ảnh 1.
 

Tin nguyên Thủ tướng từ trần làm cho nhiều người Việt Nam và nước ngoài thương tiếc. Rất ít người đã nghỉ hưu, khi còn sống cũng như khi ra đi lại để lại những tình cảm thương tiếc như vậy.

Ông không chỉ là một Thủ tướng có nhiều đóng góp cho đất nước, mà còn là một người con, người chồng, người cha tuyệt vời của gia đình, một người bình dị như triệu triệu người dân Việt Nam khác.

Tôi là một trong những người có những kỷ niệm không thể nào quên về ông. Ông Phan Văn Khải không chỉ đưa ra nhiều Chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp mà còn trực tiếp giúp họ mở rộng hợp tác với nước ngoài.

Những năm 90 của thế kỷ trước là thời gian khó khăn nhất của Iraq do bị Liên Hợp Quốc cấm vận toàn diện, nhưng để giúp các doanh nghiệp có được các hợp đồng xuất khẩu hàng hoá sang đây theo chương trình "Đổi dầu lấy lương thực", ông đã không ngần ngại lên đường.

Năm 1997, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đi thăm Iraq. Do Iraq bị cấm vận hàng không, con đường bộ dài hơn một ngàn km từ Thủ đô Amman của Jordan qua sa mạc tới Baghdad là cửa ngõ duy nhất nối Iraq với thế giới bên ngoài. Đại sứ quán của ta lúc đó cũng hết sức khó khăn.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai kể về hành trình hơn 1.000km trên xe buýt từ Iraq với Thủ tướng Phan Văn Khải - Ảnh 2.

Thủ tướng Phan Văn Khải ghé thăm Jordan gặp Vua nhiếp chính Jordan Hasan Bin talal trên đường về nước sau chuyến thăm Iraq năm 1997. Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quang Khai cung cấp

Chúng tôi dành cho ông một chiếc xe tốt nhất của Đại sứ và ông đã phải đi cùng trên chiếc xe của tôi trên đoạn đường dài đó. Đoàn doanh nghiệp chừng hơn bốn chục người thì ngồi trên một chiếc xe buýt. Dọc đường ông cùng ăn thức ăn chúng tôi chuẩn bị mang theo. Chuyến đi hết sức thành công, đoàn ký được nhiều hợp đồng lớn, ông rất vui.

Trên đường trở lại Amman để về nước, ông vẫn đi cùng tôi trên chiếc xe của Đại sứ quán. Khi ra khỏi Baghdad, vẫn một giọng dân dã quen thuộc: "Ngồi xe này buồn lắm, tao lên ngồi xe buýt cùng với đoàn doanh nghiệp nghe chúng nó kể chuyện tiếu lâm".

Thế là tôi cũng đi theo ông lên ngồi xe buýt nghe chuyện tiếu lâm. Suốt dọc đường hơn một ngàn km lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, mọi người không còn ai biết mệt.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai kể về hành trình hơn 1.000km trên xe buýt từ Iraq với Thủ tướng Phan Văn Khải - Ảnh 3.
 

Cuối năm 1999, tôi kết thúc nhiệm kỳ tại Iraq. Một nhiệm kỳ khá thành công. Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của ta sang Iraq tăng từ 17 triệu đô la năm 1995 lên 700 triệu đô la năm 1999. Trong kết quả này có sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Rất không may, khi người khác sang nhận nhiệm vụ đại sứ thay tôi, kim ngạch xuất khẩu của ta sang Iraq giảm đáng kể, các doanh nghiệp làm ăn khó khăn hơn.

Ông Khải đã gặp lãnh đạo Bộ Ngoại giao đề nghị cho tôi sang thay. Tôi không ngại khó khăn, nhưng xét về mặt quan hệ với đồng nghiệp tôi thấy không tiện. Tôi đã trình bày ý kiến này và lãnh đạo Bộ cũng thấy hợp tình, hợp lý nên chấp nhận không để tôi trở lại Iraq nữa.

Nhưng sau đó, năm 2001, ông Khải lại gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhắc làm thủ tục sớm để tôi trở lại Iraq.

Đây là lần thứ ba ông đề nghị tôi quay lại Iraq. Không thể từ chối được nữa, tôi nhận nhiệm vụ lên đường. Làm đại sứ hai lần ở một nước là trường hợp duy nhất của ngoại giao Việt Nam và rất hiếm trong quan hệ quốc tế.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai kể về hành trình hơn 1.000km trên xe buýt từ Iraq với Thủ tướng Phan Văn Khải - Ảnh 4.

Tác giả gặp Thủ tướng Phan Văn Khải xin ý kiến trước khi đi nhận nhiệm vụ Đại sứ lần thứ hai tại Iraq. Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quang Khai cung cấp.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai kể về hành trình hơn 1.000km trên xe buýt từ Iraq với Thủ tướng Phan Văn Khải - Ảnh 5.

Ông Phan Văn Khải không chỉ được nhiều người Việt Nam mến mộ mà còn được nhiều bạn bè quốc tế quý mến. Khi ông làm Chủ tịch Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, trong một lần đi thăm CHDC Đức, ông bị ốm phải vào bệnh viện.

Ông Lothar Poppe, Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch CHDC Đức lo lắng như người nhà và hàng ngày đều ghé bệnh viện thăm ông. Hôm nào bận thì ông cử con trai của mình vào thăm.

Năm 2005, ông Egone Krenz, Tổng Bí thư cuối cùng của Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước cuối cùng của Cộng hoà Dân chủ Đức sau khi được ra tù có nhờ tôi chuyển một bức thư cho Thủ tướng Phan Văn Khải ngỏ ý muốn sang thăm Việt Nam để gặp lại những người bạn cũ.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai kể về hành trình hơn 1.000km trên xe buýt từ Iraq với Thủ tướng Phan Văn Khải - Ảnh 6.

Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp thân mật ông Egone Krenz (áo xám bên trái) và ông Lothar Poppe (áo xám bên phải). Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quang Khai cung cấp.

Ông Egone Krenz là người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam, rất cảm tình và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta ngay từ khi ông còn là Bí thư Trung ương đoàn Thanh niên của CHDC Đức.

Nhưng ông Egone Krenz vừa mới ra tù, CHDC Đức không còn nữa, tôi hơi ngại liệu đề nghị này có được chấp nhận hay không?

Tôi gọi điện cho anh Bình, thư ký của Thủ tướng Phan Văn Khải xin gặp và không hy vọng ông sẽ tiếp. Tuy nhiên, khi nghe tên ông Egone Krenz và Lothar Poppe, Thủ tướng đã đồng ý tiếp tôi ngay. Ông rất vui và vẫn một giọng nói dân dã: "Mày bảo ông ấy sang đi, tháng này tao ở Việt Nam, chưa có chuyến đi nước ngoài nào, tiếp được."

Tôi mừng quá báo cho ông Egone Krenz và sau đó ít ngày ông Egone Krenz cùng ông Lothar Poppe đã đến Hà Nội. Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp hai ông hết sức thân mật như những người anh em lâu ngày gặp lại nhau.

Ông Egone Krenz đã kể lại những kỷ niệm cũ, những chuyến thăm Việt Nam trong những năm còn chiến tranh, những gì đã xảy ra tại nước Đức trước và sau khi bức tường Berlin sụp đổ.

Ông nói lúc đó ông hy vọng tiến hành một cuộc đổi mới đảng, cải cách toàn diện đất nước nhưng đã quá muộn. Năm 1990, nước Đức thống nhất, ông bị kết án tù 6 năm rưỡi, nhưng ông chỉ phải ở trại tù bốn năm từ 2000 đến 2004.

Tòa án cũng nêu rõ rằng nhờ ông mà mùa thu 1989 ở nước Đức đã không có đổ máu.

Cuốn hồi ký "Mùa Thu nước Đức năm 1989" ông viết trong tù đã ghi lại tất cả những gì đã xảy ra ở Đức.

Được tin ông Phan Văn Khải từ trần, ông Egone Krenz rất buồn và muốn sang viếng từ biệt người bạn cũ, nhưng do tuổi già sức yếu chuyến đi không thực hiện được, ông mong ông Phan Văn Khải yên nghỉ nơi vĩnh hằng.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news