Tin mới

Công chúa Ngọc Hân và hàm oan giết chồng nghiệt ngã phải gánh chịu trong lịch sử

Thứ năm, 19/04/2018, 10:36 (GMT+7)

Ngọc Hân công chúa kết hôn với người anh hùng áo vải Quang Trung – vẽ nên một chuyện tình tuyệt đẹp trong lịch sử. Nhưng sau cái chết của người chồng vĩ đại, Ngọc Hân đã phải chịu bao dị nghị cay độc, những hiểu lầm trớ trêu của người đời.

Ngọc Hân công chúa kết hôn với người anh hùng áo vải Quang Trung – vẽ nên một chuyện tình tuyệt đẹp trong lịch sử. Nhưng sau cái chết của người chồng vĩ đại, Ngọc Hân đã phải chịu bao dị nghị cay độc, những hiểu lầm trớ trêu của người đời.

Lê Ngọc Hân (1770 - 1799), còn gọi Ngọc Hân công chúa hay Bắc Cung Hoàng hậu, là một nhân vật lịch sử nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam thời thế kỉ 18. Bà là công chúa nhà Hậu Lê, sau trở thành Hoàng hậu nhà Tây Sơn với tư cách là vợ thứ của Quang Trung Đế Nguyễn Huệ, một nhân vật quân sự nổi tiếng.

Theo lời truyền tụng, công chúa  Ngọc Hân  thông minh từ bé, diện mạo thanh tú, xinh xắn, bản tính thùy mị, dịu dàng. Chưa đầy 10 tuổi, công chúa chẳng những đã giỏi cầm, kỳ, thi, họa mà còn thuộc làu kinh điển, thông thạo âm luật, giỏi thơ văn cả Hán lẫn Nôm. Càng lớn, công chúa càng xinh đẹp, nết na, duyên dáng, đức hạnh, được tiếng thơm khắp hoàng cung.

Cuộc đời bà thường được thêu dệt nên thành giai thoại cuộc tình đẹp đẽ giữa bà với Nguyễn Huệ, vì bà là công chúa một triều đại lớn suy thoái, lại kết hôn với người đứng đầu Tây Sơn khi ấy đang đe dọa nền chính trị của nhà Lê. Dân gian còn lưu truyền tên gọi bà là Bà Chúa Tiên khi bà ở Phú Xuân vì dinh phủ lập ở chùa Kim Tiên.

Công chúa Ngọc Hân và hàm oan giết chồng nghiệt ngã phải gánh chịu trong lịch sử - Ảnh 1.

Chuyện tình công chúa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ được tái hiện trên phim

Cuộc hôn nhân giữa Nguyễn Huệ – Ngọc Hân xuất phát ban đầu là ý đồ chính trị. Nhưng qua quá trình sống bên chồng, bà đã chiếm trọn niềm tin, tình yêu của người anh hùng. Với sự dịu dàng trong sáng và cách cư xử nền nếp gia giáo rất đặc trưng của phụ nữ Bắc Hà xưa, Ngọc Hân đã chinh phục hoàn toàn người đàn ông dũng mãnh. Nguyễn Huệ tôn trọng, nâng niu, luôn hỏi ý kiến Ngọc Hân về những ứng xử cần thiết với triều đình nhà Lê.

Tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 47 (1786), tướng nhà Tây Sơn là Nguyễn Huệ ra Bắc với chiêu bài "phù Lê diệt Trịnh". Diệt xong họ Trịnh, Nguyễn Huệ tới yết kiến Lê Hiển Tông. Do sự mai mối của tướng Bắc Hà vào hàng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngọc Hân vâng mệnh thành hôn cùng Nguyễn Huệ. Khi đó bà mới 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ 33 tuổi và đã có chính thất là Phạm Thị Liên.

Vài ngày sau, Lê Hiển Tông băng hà, triều đình rơi vào vấn đề chọn người kế vị. Lê Ngọc Hân nghĩ anh thân hơn cháu nên ủng hộ anh là Lê Duy Cận lên ngôi, nhưng bị tông tộc nhà Lê phản đối vì muốn lập Hoàng thái tôn Lê Duy Kỳ - con của Cựu thái tử Lê Duy Vĩ lên ngôi. Do áp lực của tông tộc, Ngọc Hân phải nghe theo. Lê Duy Kỳ được lập, tức là Lê Chiêu Thống. Ít lâu sau, bà theo Nguyễn Huệ về Thuận Hóa.

Năm Chiêu Thống thứ 2 (1788), Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế trước khi ra Bắc để diệt quân Thanh, lấy niên hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng hậu do chính thất Phạm thị đã được phong làm Trung Cung hoàng hậu. Năm sau (1789), sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ lại phong bà làm Bắc Cung hoàng hậu.

Bà có hai con với Nguyễn Huệ là Nguyễn Thị Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức.

Công chúa Ngọc Hân và hàm oan giết chồng nghiệt ngã phải gánh chịu trong lịch sử - Ảnh 2.

Ngọc Hân công chúa nổi tiếng xinh đẹp

Năm Quang Trung thứ 5 (1792), Nguyễn Huệ đột ngột băng hà. Sau đó, Nguyễn Quang Toản là con bà Chính cung hoàng hậu Phạm Thị Liên (hoặc Bùi Thị Nhạn) lên nối ngôi, niên hiệu là Cảnh Thịnh, vì thế sử còn gọi là là Cảnh Thịnh Đế. Bùi hoàng hậu do thân phận chính thất đã trở thành Hoàng thái hậu. Khi Quang Trung hoàng đế băng hà, mặc dù chịu đau đớn là thế, vậy mà Ngọc Hân lại bị nghi ngờ là hung thủ hạ độc người chồng đầu ấp tay gối.

Theo bài "Danh nhân Lê Ngọc Hân" của Chu Quang Trứ, sau khi Nguyễn Huệ qua đời thì bà Lê Ngọc Hân mất quyền lực, và bà đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền (Dương Xuân ở Huế) cạnh Đan Dương điện với danh nghĩa thờ chồng nuôi con. Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (ngày 4 tháng 12 năm 1799) thì mất, lúc đó mới 29 tuổi.

Lễ bộ Thượng thư nhà Tây Sơn là Phan Huy Ích đã phụng chỉ soạn năm bài văn tế Lê Ngọc Hân cho vua Cảnh Thịnh Đế, cho các công chúa, cho bà Nguyễn Thị Huyền, cho các tôn thất nhà Lê, và cho họ ngoại ở làng Phù Ninh. Cảnh Thịnh Đế đã đích thân đọc trước linh sàng, với thụy hiệu được truy tặng là Nhu Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Cả năm bài văn tế trên còn được chép trong sách Dụ Am văn tập.

Và theo tộc phả họ Nguyễn Đình, đang khi triều Tây Sơn suy thoái, Nguyễn Ánh thừa cơ chiếm lấy kinh đô Phú Xuân, ngày 18 tháng 11 năm Tân Dậu (23 tháng 12 năm 1801) hoàng tử Nguyễn Quang Đức mất khi mới 10 tuổi, rồi ngày 17 tháng 4 năm Nhâm Tuất (18 tháng 5 năm 1802), công chúa Ngọc Bảo cũng mất khi mới 12 tuổi.

Theo Helino/Trí thức trẻ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news