Tin mới

Ba điều cho thấy “thủ phạm” của thảm hoạ y tế Hoà Bình không phải bác sĩ Hoàng Công Lương

Thứ ba, 20/03/2018, 11:09 (GMT+7)

Sai sót của bác sĩ Lương thuộc về thủ tục hành chính, không phải là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến sự cố gây chết 8 người tại đơn nguyên Thận nhân tạo – BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Sai sót của bác sĩ Lương thuộc về thủ tục hành chính, không phải là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến sự cố gây chết 8 người tại đơn nguyên Thận nhân tạo – BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình.

Một tháng sau khi Hoà Bình xảy ra, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đã xác định nguyên nhân gây ra cái chết cho 8 bệnh nhân trong quá trình là do có tồn dư hoá chất khử khuẩn Flouride cao quá mức an toàn hàng trăm lần trong hệ thống nước RO.

Như vậy, có thể xác định sai sót không nằm ở chuyên môn, nghiệp vụ của bác sĩ Hoàng Công Lương.

Cho đến thời điểm này, Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam đều chưa lên tiếng về sự việc này, mặc dù quyết định truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương được cho là không chỉ quy trách nhiệm cho một cá nhân mà còn là đòn giáng chí mạng vào nhiệt huyết làm nghề của tất cả các nhân viên y tế.

Đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi thấy rằng có 3 điều các cơ quan tố tụng trong vụ án này không nên bỏ qua. 3 điều này cho thấy bác sĩ Lương không thể là "thủ phạm" chịu trách nhiệm trong cái chết của 8 bệnh nhân trong thảm hoạ Hoà Bình.

Ba điều cho thấy “thủ phạm” của thảm hoạ y tế Hoà Bình không phải bác sĩ Hoàng Công Lương - Ảnh 1.

BS Lương - người đứng thứ 2 từ trái sang - vẫn làm việc miệt mài khi có lệnh khởi tố

Thứ nhất: Bác sĩ chỉ chịu trách nhiệm về chuyên môn

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (Số 40/2009/QH12) quy định: "Chữa bệnh là việc sử dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật đã được công nhận và thuốc đã được phép lưu hành để cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh".

Quy định này cho thấy, bác sĩ là người chịu trách nhiệm việc chữa bệnh bao gồm "cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh".

Cụ thể, bác sĩ Lương với chuyên môn về thận nhân tạo sẽ chịu trách nhiệm xem bệnh nhân có được chỉ định lọc máu hay không và thực hiện các quy trình chuyên môn để tiến hành lọc máu cho bệnh nhân.

Thứ hai, bác sĩ không chịu trách nhiệm về chất lượng thiết bị y tế

Theo Nghị định 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó quy định: đơn vị sở hữu số đăng ký lưu hành sản phẩm là đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; đơn vị sử dụng có trách nhiệm sử dụng, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, bảo trì, bảo dưỡng theo hướng dẫn của người sản xuất.

Đối chiếu với trường hợp sự cố ở Hoà Bình, bác sĩ Lương là người đại diện cho đơn vị sử dụng có trách nhiệm sử dụng thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh (ở đây là hệ thống máy lọc RO phục vụ cho chạy thận nhân tạo) và ra quyết định bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị khi cần thiết theo hướng dẫn của nhà sản xuất, chứ không phải là người chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm thiết bị y tế.

Do đó bác sĩ Lương không phải chịu trách nhiệm về chất lượng nước đã qua hệ thống lọc RO, kể cả sau khi hệ thống được bảo trì, bảo dưỡng.

Thứ ba: Sai sót của bác sĩ Lương không phải là nguyên nhân gây chết bệnh nhân

Về sai sót của BS Lương, theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Hoà Bình: "Sáng ngày 29/5/2017, khi mới chỉ nghe Điều dưỡng viên Đỗ Thị Điệp nói về việc Trần Văn Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường thì Hoàng Công Lương đã chủ quan, không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với Trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân".

Theo cáo trạng này, bác sĩ Lương là người có trách nhiệm phải "kiểm tra lại" (được hiểu là bao gồm cả chất lượng nước đã qua hệ thống lọc RO). Tuy nhiên, trong các văn bản của Bộ Y tế, không có bất kỳ văn bản nào quy định bác sĩ điều trị phải nghiệm thu chất lượng nước RO.

Giả sử trong trường hợp có văn bản Luật hoặc văn bản nội bộ nào đó quy định điều đó cũng là bất khả thi bởi các bác sĩ không được đào tạo chuyên môn để có thể kiểm tra được hệ thống RO vận hành có tốt không và thành phẩm nước có đạt chuẩn không.

Nếu bắt buộc phải thẩm định chất lượng nước RO, bác sĩ sẽ thẩm định bằng phương pháp, công cụ nào? Nhìn bằng mắt thường, ngửi hay nếm thử? Đương nhiên, đó là những giả thiết rất khôi hài.

Ba điều cho thấy “thủ phạm” của thảm hoạ y tế Hoà Bình không phải bác sĩ Hoàng Công Lương - Ảnh 2.
 

Thực chất, sai sót của bác sĩ Lương thuộc về thủ tục hành chính. Đặt giả thiết, nếu không có sai sót này, thảm hoạ y tế nghiêm trọng này có xảy ra không? Chắc chắn nếu có đủ thủ tục hành chính trong trường hợp này thì sự cố chết người vẫn xảy ra do chất lượng nước RO không được nghiệm thu đầy đủ từ những bộ phận có trách nhiệm liên quan.

Như vậy, sai sót của bác sĩ Lương không phải là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến sự cố gây chết 8 người tại đơn nguyên Thận nhân tạo – BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Việc quy cho vị bác sĩ này 2 tội danh "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" có chính xác?

Vậy trong thảm hoạ y tế Hoà Bình, đâu mới là "thủ phạm"?

Một điều cần nhấn mạnh ở đây, sự cố chạy thận ở bệnh viện đa khoa Hoà Bình hồi tháng 5.2017 khiến 8 người chết là một thảm hoạ y khoa đặc biệt nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trong lịch sử y tế nước nhà. Việc Công an tỉnh Hoà Bình khởi tố vụ án, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan là hết sức cần thiết.

Về trách nhiệm của các chủ thể đơn vị, cá nhân có liên quan trực tiếp đến sự cố chạy thận nói trên, dư luận chờ đợi và hy vọng vào nỗ lực điều tra, làm rõ của cơ quan chức năng. Chúng tôi xin không bàn đến ở đây.

Sau sự kiện tai biến chạy thận nhân tạo ở Hoà Bình ngày 29/05, chúng tôi đã có bài phân tích sự thiếu hụt thiếu hụt quy trình chạy thận nhân tạo trong đó có quy trình quy trình vệ sinh khử khuẩn hệ thống nước RO của máy lọc thận nhân tạo do Bộ Y tế ban hành nhằm hướng dẫn các đơn vị chạy thận nhân tạo. ()

Theo đó, vào thời điểm xảy ra sự cố y khoa tại bệnh viện Đa khoa Hoà Bình, chúng tôi có gửi công văn yêu cầu Bộ Y tế cung cấp các tài liệu liên quan đến quy trình chạy thận nhân tạo.

Tuy nhiên, Bộ Y tế chỉ cung cấp được Quyết định Về việc ban hành "Hướng dẫn quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại quả lọc thận" (số 1338/2004/QĐ-BYT) và tài liệu Quy trình quản lý chất lượng nước RO của Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Bạch Mai là văn bản có giá trị lưu hành nội bộ, không có quy định các đơn vị thận nhân tạo khác phải áp dụng theo.

Việc thiếu hụt quy trình vệ sinh khử khuẩn hệ thống nước RO của máy lọc thận nhân tạo có thể coi là lỗ hổng lớn trong quy trình chạy thận nhân tạo của Bộ Y tế.

Điều này lý giải vì sao rất nhiều các bác sĩ làm công tác chạy thận nhân tạo đều xác nhận không được đào tạo, hướng dẫn các thao tác kiểm tra độ an toàn của hệ thống nước RO trước khi đưa vào sử dụng. Niềm tin được đặt toàn bộ vào bên thứ 3 là đơn vị bảo trì, bảo dưỡng.

Đây có lẽ là nguyên nhân mấu chốt dẫn đến thảm họa y tế chưa từng có trong lịch sử y khoa Việt Nam, đồng thời cũng cho thấy rằng an toàn sức khoẻ và tính mạng của bệnh nhân chạy thận nhân tạo trên toàn quốc không được đảm bảo.

Nếu như trước đó Bộ Y tế ban hành đầy đủ hướng dẫn quy trình vệ sinh khử khuẩn, bảo trì bảo dưỡng, nghiệm thu hệ thống RO cho chạy thận nhân tạo cũng như quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc đảm bảo chất lượng nước RO thì thảm hoạ y tế ở Hoà Bình rất có thể sẽ không xảy ra.

Người ta thường nói nguyên nhân xảy ra thảm hoạ trên là do "lỗi hệ thống". Nghe đến lỗi hệ thống thì có vẻ như sẽ không có người phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn thẳng vào lỗi hệ thống để có thể tìm ra nguyên mấu chốt gây ra thảm hoạ, từ đó có động thái nhằm rút kinh nghiệm trên toàn hệ thống các đơn vị thận nhân tạo trên toàn quốc.

Có làm được như vậy, thảm hoạ y tế Hoà Bình mới có hy vọng không lặp lại lần thứ hai.

Ngay lúc này, nên chăng, Bộ Y tế cần có tiếng nói để bảo vệ cho bác sĩ Hoàng Công Lương trước quyết định truy tố.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news